Rèn thói quen sống và nền nếp học tập cho học sinh lớp 1

Cha mẹ có con chuẩn bị vào lớp 1 thường có chung tâm trạng lo lắng về kiến thức và những kỹ năng cần thiết để các con có thể bước vào năm học mới với tâm thế vững vàng nhất.
Tại sao phải huấn luyện tư duy học tập? Tại sao phải dạy kỹ năng sống cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ?
Trẻ em ở độ tuổi này tiếp thu vấn đề rất nhanh, các em học và chơi theo sở thích. Trẻ thường không bị gò bó trong quy chuẩn nào, do đó, thời kỳ này sự phát triển của các em theo hướng tự nhiên. Sẽ có những em bé tính hiếu động, nhưng cũng sẽ có những em trầm tính hơn và không tránh khỏi là có những em ở độ tuổi này bị tự kỷ. Những đặc điểm tâm lý của trẻ em đang ngày càng phức tạp, do đó hơn bao giờ hết các bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 luôn mong muốn cho con có những hành trang đầy đủ nhất để nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới. Đa số các bậc phụ huynh có nhiều biện pháp thiết thực để giúp con học tốt hơn, nhận biết mặt chữ và làm toán nhanh hơn. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng xác định được phương pháp đúng đắn trong việc chuẩn bị kỹ năng sống cho con ngay từ khi còn nhỏ. Khó khăn chung của các bậc cha mẹ trong giai đoạn này là chưa nắm được đặc điểm tâm lý tuổi của con mình, do đó chưa tìm ra biện pháp riêng trong việc giúp đỡ các con hình thành thói quen tốt, và có những kỹ năng sống một cách chuyên nghiệp.
Chia sẻ từ phía các phụ huynh:
Chị Phượng( Mai Dịch- Nhân viên văn phòng) chia sẻ :” con nhà mình học lớp Mẫu giáo lớn trường mầm non Hoa Hồng , cháu rất hiếu động, đã nhớ mặt chữ cái, và có thể đếm khá tốt rồi, nhưng cháu thường không chịu ngồi học quá 20 phút. Chỉ được 1 lúc là cháu lại nghich đồ chơi”.
Anh Hùng( Cầu Giấy- Kỹ sư):” con trai mình đã được rèn thói quen ngồi bàn học mỗi ngày 30 phút, tháng 9.2013 cháu sẽ vào lớp 1. Nhưng mình rất lo vì cu cậu nhút nhát, không thích chơi với các bạn mới, cháu thường không thích hòa nhập với các bạn. Thời gian đầu mỗi ngày đưa con đi lớp là cháu lại khóc theo mẹ về, nhất định không chơi với ai. Mình muốn có môi trường giúp con nhanh nhẹn hơn, mạnh dạn hơn để khi vào lớp 1, cháu không còn nhút nhát .”
Anh Quân( Cầu Diễn- Giám đốc):” Tôi cũng bận nên ít có thời gian dạy con học, rất lo vì con gái dễ nổi cáu và hay giận dỗi. cháu cũng được mẹ chiều chuộng nhiều, nên cứ ai làm trái ý là cháu vùng vằng, khóc và bỏ cơm. Tôi cũng muốn thay đổi thói quen đó của con, chứ vào lớp 1 như vậy thì làm sao học và chơi cùng các bạn được”
Chị Hoài Anh( Đống Đa- chuyên viên Dự án): “ Điều mình lo nhất cho con sắp vào lớp 1 đó là cháu rất thiếu tập trung, hay lơ là, do đó cứ dặn dò 1 lúc là quên hết. Cháu ham vui, thích bạn mới, nhưng chỉ được 1 lúc là lại chán ”.
Rõ ràng, chia sẻ trên của một vài phụ huynh cũng là những lo lắng chung của tất cả các bậc làm cha mẹ khi có con ở độ tuổi 4, 5. Chẳng còn bao lâu nữa các con sẽ vào lớp 1. Cha mẹ nào cũng muốn trang bị cho con những kỹ năng cần thiết nhưng không phải ai cũng biết bắt đầu tự đâu, và cần bổ sung những kỹ năng nào?
1. Những kỹ năng sống cần thiết cho trẻ vào lớp 1:
Kỹ năng tự chăm sóc cho bản thân, tự bảo vệ mình; rèn luyện thói quen tự lập trong cả suy nghĩ và cuộc sống:
Kỹ năng hòa đồng và thân thiện trong môi trường bạn bè mới
Kỹ năng tự giác trong học tập, lập thời gian biểu cá nhân.
Kỹ năng vượt qua sự ngại ngùng, nỗi sợ hãi, giúp các con thấy được niềm vui mới ở trường học.
Kỹ năng tập trung, rèn luyện tính kỉ luật.
Kỹ năng tự tin trước đám đông, mạnh dạn và tư duy nhanh nhạy.
2. Những trải nghiệm cảm xúc cần thiết cho trẻ:
Cha mẹ không những trang bị kỹ năng sống cho các con, mà còn cần giúp con có những trải nghiệm tâm lý, Xây dựng tâm thế vững vàng trong môi trường mới:
Trải nghiệm giá trị của tình yêu thương, sự quan tâm của cha mẹ
Học cách nói lời cảm ơn và xin lỗi
Trải nghiệm sự sẻ chia, khám phá giá trị bản thân…
Trải nghiệm những niềm vui tập thể, sự cố gắng cùng nhau vượt qua khó khăn
.........
Thông qua việc giúp các em có những trải nghiệm cảm xúc, các em sẽ mạnh dạn và biết yêu thương, sẻ chia và đoàn kết trong các mối quan hệ với thầy cô,
cha mẹ, bạn bè
3. Phương pháp dạy kỹ năng sống cho trẻ:
Cha mẹ nên cho con tham gia các chương trình kỹ năng sống ngay từ khi còn nhỏ. Việc học kiến thức là vô cùng cần thiết, song đan xen vào đó cha mẹ nên dành thời gian dạy con những kỹ năng sống cơ bản, hoặc đưa con tới tham gia các khóa học kỹ năng sống tại các trung tâm. Tại đây, các con sẽ được vui chơi, trò chuyện với các bạn cùng độ tuổi. Trải nghiệm và học hỏi thông qua các tình huống thực tế, các chương trình dã ngoại, hoạt động ngoại khóa…Cha mẹ cũng đừng chờ đợi tới dịp hè mới cho con tham gia các khóa học kỹ năng sống. Việc dạy kỹ năng cho con cần phải thực hiện trong thời gian dài vì qua đó các con mới có sự thẩm thấu kiến thức và trải nghiệm cảm xúc thực sự của bản thân. Mỗi khóa học kỹ năng sống kéo dài từ 2-3 tháng, sẽ giúp các con của bạn vững vàng hơn, đó cũng là hành trang đầy đủ để con bạn
Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy gia sư lớp 1 chúng tôi xin chia sẻ thêm những thông tin hữu ích được chúng tôi chọn lọc trên báo chí chính thống để chia sẻ cho các bạn.
Chia sẻ của cô giáo Phạm Thị Hồng Lĩnh – Trường Tiểu học Đông Đô (Hà Nội), đối với học sinh lớp 1, lần đầu tiên cắp sách đến trường với bao bỡ ngỡ, cần rèn cho các em một số thói quen cơ bản


Nền nếp học tập trên lớp

Khi bắt đầu cắp sách đến trường, hầu hết học sinh (HS) đều chưa có ý thức về nền nếp trong học tập, thói quen chưa tốt lời nói chưa rõ ràng, các em không diễn đạt đủ ý, trả lời chưa đầy đủ câu văn, còn lúng túng khi giơ tay phát biểu ý kiến, việc xếp hàng ra vào lớp chưa có quy củ...

Đó là hạn chế mà hầu hết các em HS hay mắc phải. Vì vậy giáo viên ngay từ đầu phải hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ, uốn nắn lời nói của học sinh cho đầy đủ câu văn từ những câu trả lời đơn giản nhất. Không cần quá rập khuôn nhưng sửa ngay từ đầu rất dễ đối với lứa tuổi này và dần dần sẽ trở thành kỹ năng của học sinh.

HS còn lúng túng trong việc sử dụng sách vở, đồ dùng học tập của từng môn học, cách giơ tay, giơ bảng hoặc lấy được sách rồi lại loay hoay với việc tìm bài học... nên giáo viên (GV) cũng cần hướng dẫn học sinh cách mở SGK; việc sắp xếp sách vở cho học sinh thực hiện vào giờ truy bài. Cũng cần quy ước các kí hiệu sử dụng trong giờ học để các em thực hiện thành một thói quen.

Cụ thể: Khi có hiệu lệnh lấy bảng một tay rút bảng, một tay giữ sách bên trên, tư thế thoải mái, nhẹ nhàng; viết bảng xong cần cất đúng vị trí cũ. Khi đọc xong bài GV hướng dẫn HS kẹp que tính vào trang bài vừa học rồi gập lại đến khi GV yêu cầu chỉ cầm que tính lật là đến luôn không cần mất nhiều thời gian.

Trong giờ học vần, học sinh khi nào thì phát âm, đánh vần, khi nào đọc trơn, phân tích tiếng hay luyện nói đều theo quy định mà giáo viên đã quy ước với học sinh.

Khi đánh vần, đọc trơn, giáo viên chỉ từng chữ hay cả tiếng, cả từ.

Khi phân tích, giáo viên đặt ngang thước dưới tiếng hay từ cần phân tích. Học sinh thực hành theo dãy, theo nhóm …

Tất cả những việc ấy đều cần có một nề nếp tốt nếu không sẽ ảnh hưởng tới chất lượng học tập của một giờ học.

Trên thực tế khi đi học rất nhiều em còn thiếu sách vở đồ dùng: giờ toán quên vở bài tập; giờ học vần, tập đọc quên sách Tiếng Việt; giờ viết không có bút... cá biệt có em không mang cả cặp sách vì sáng ra dậy muộn, gia đình quên nhắc nhở...

Vì vậy, các em không hoạt động học tập cùng các bạn làm ảnh hưởng đến không khí học tập của cả lớp. Do đó, cần hình thành nền nếp học tập, tạo thói quen cho học sinh giờ nào việc nấy là việc làm cần thiết không thể thiếu được.

Chính vì vậy, để dạy một tiết học đủ thời gian 35 phút có chất lượng và đảm bảo được không khí học tập của lớpphải đưa các em vào nền nếp học tập ngay từ đầu năm học.

Rèn HS ý thức tự học trong giờ truy bài và tự giác học ở nhà

Rèn cho học sinh có ý thức tự học là một phần rất quan trọng trong vấn đề hình thành nề nếp học tập cho học sinh lớp một.

Hiện nay, HS đều được học 2 buổi/ngày nên toàn bộ bài học được giáo viên hướng dẫn và học sinh hoàn thành ngay trên lớp nhưng vẫn cần rèn cho các em có nền nếp buổi tối về nhà với sự hướng dẫn của bố mẹ, tự soạn sách vở và đồ dùng học tập cho ngày hôm sau.

Đồng thời với việc buổi sáng trong giờ truy bài cán bộ lớp sẽ kiểm tra sự chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập của từng bạn để báo cáo cô giáo kịp thời nhắc nhở những bạn còn vi phạm, thiếu đồ dùng học tập hay chưa chuẩn bị tốt bài.

Lâu dần các em sẽ có thói quen về nền nếp học tập ở nhà và sang học kỳ 2 các em có thể tự giác ngồi vào bàn học không cần sự nhắc nhở của bố mẹ cũng như tự soạn lấy sách vở và đồ dùng học tập cho mình.

Như vậy ý thức tự giác và nền nếp học ở nhà rất cần thiết và có lợi cho các em khi học ở các lớp sau này.

Rèn nền nếp giữ gìn sách vở đồ dùng học tập

Rèn nếp giữ gìn sách vở và đồ dùng học tập cũng là một nội dung quan trọng trong việc dạy dỗ các em.

Việc ngăn nắp trong khi sắp xếp sách vở và đồ dùng học tập cũng là yếu tố dẫn đến thói quen học tập nghiêm túc. Hướng dẫn các em cách lấy sách vở trong cặp nhanh không gây tiếng động, thực hiện được theo các ký hiệu của giáo viên yêu cầu. Giữa giáo viên và học sinh có sự kết hợp nhịp nhàng.

Rèn cho học sinh thói quen vệ sinh cá nhân

Để học sinh có thói quen, biết cách vệ sinh cá nhân hằng ngày, trước tiên giáo viên nên dẫn các em ra vòi nước rửa sạch sẽ và hướng dẫn cho từng em cụ thể, thường xuyên kiểm tra nhắc nhở hằng ngày rửa tay trước khi ăn cơm, sau khi dùng bảng phấn, sau khi đi vệ sinh.

Nếu em nào tay chân bẩn cần cho đi rửa ngay và nhắc nhở phê bình trước lớp. Đến cuối tuần có phần thưởng động viên khuyến khích cho những học sinh sạch sẽ, gọn gàng trong cả tuần và phê bình những học sinh chưa sạch sẽ. Nếu giáo viên làm thường xuyên như vậy thì học sinh sẽ đi vào nền nếp và có thói quen giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

Để hình thành được các nền nếp và thói quen như trên, cần có sự giúp đõ từ phụ huynh và đồng nghiệp

Đối với phụ huynh học sinh: Buổi họp phụ huynh đầu năm, nên đề ra yêu cầu để phụ huynh cùng rèn nếp cho học sinh: Hàng ngày kiểm tra sách vở của con; nhắc nhở con học và làm bài tập cô giáo; hướng dẫn con chuẩn bị sách, vở và đồ dùng học tập cho con theo thời khóa biểu hàng ngày.

Giáo dục con ý thức gọn gàng, ngăn nắp khi học tập, vui chơi; sinh hoạt điều độ, đúng thời gian biểu, giờ nào việc nấy, tránh tình trạng vừa học vừa chơi.

Thường xuyên trao đổi cùng giáo viên chủ nhiệm, qua trò chuyện trực tiếp, điện thoại hoặc qua sổ liên lạc để kịp thời nhắc nhở, đôn đốc học sinh nếp học tập ở lớp cũng như ở nhà.

Đối với giáo viên bộ môn:

Ngay từ khi học sinh bước vào lớp một, ngoài cô giáo chủ nhiệm lớp , các em còn được học các thầy, cô giáo bộ môn như: Âm nhạc, Tiếng Anh, Mĩ thuật, Thể dục, Tin học... nên việc rèn nếp cho học sinh lớp một là rất cần thiết.

Giáo viên chủ nhiệm kết hợp với giáo viên bộ môn chuyên biệt để cùng rèn nếp cho học sinh từ tư thế ngồi, cách cầm bút, cách phát biểu...

Nếp này phải được rèn thường xuyên trong học sinh để các em tạo thói quen và trở thành điều kiện thuận lợi cho việc học tập ở những lớp trên.

Các thầy, cô giáo bộ môn cũng rất hài lòng và rất vui khi các em đã thật sự vào nề nếp, giáo viên chỉ việc giảng dạy mà không phải quan tâm nhiều đến việc rèn nền nếp.

Như vậy, muốn cho học sinh có nền nếp học tập tốt phải hướng dẫn học sinh một cách tỉ mỉ, từ việc chuẩn bị sách vở đồ dùng học tập ở nhà đến việc lấy vở, cất vở khi chuyển tiết, nếp giơ tay phát biểu, chú ý nghe giảng, giữ gìn sách vở đồ dùng học tập, làm bài, viết bài sao cho theo kịp các bạn, đảm bảo thời gian học. Thầy, cô giáo phải thực sự là người cha, người mẹ thứ hai của các em ở trường.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Scroll to top